Chíp Bán Dẫn

[CHÍP BÁN DẪN] Kỳ 2: Ngành công nghiệp một ngàn tỷ đô vào năm 2030

Một bài nghiên cứu của C+ Consult. với mục đích đi sâu vào tìm hiểu ngành sản xuất chíp bán dẫn (semiconductor) và chuỗi giá trị của nó, nhằm tìm ra những hướng tham gia phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam ứng với lợi thế và nguồn lực chung.

Kỳ 2: Ngành công nghiệp một ngàn tỷ đô vào năm 2030

Một báo cáo của McKinsey phát hành tháng 4 năm 2022 đưa ra nhận định ngành sản xuất chíp bán dẫn sẽ có giá trị đạt 1.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030. Bản báo cáo dựa vào mức tăng trưởng doanh số bán hơn 20% giúp ngành công nghiệp này gần đạt 600 tỷ đô la Mỹ năm 2021 và với giả định mức tăng trưởng trung bình hằng năm của ngành đạt từ 6% ~ 8% trong giai đoạn đến 2030.

Nhìn lại chu kỳ tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất giai đoạn 10 năm trước thì nhận định trên hoàn toàn có thể xảy ra.

Năm 2011, doanh số toàn cầu của ngành chíp bán dẫn là 300 tỷ đô la Mỹ. Nhu cầu tăng cao vào những năm 2016 ~ 2018, giai đoạn Thế giới chứng kiến những phát minh trong ngành công nghệ thông tin, máy in 3D và 4D, Drone, ứng dụng trí tuệ nhân tạo v.v…, đã kéo doanh số tiêu thu chíp bán dẫn toàn cầu lên gần 475 tỷ đô vào năm 2018, tức gấp 2,5 lần doanh số của năm 2011.

Nếu không có cú trượt năm 2019 do đại dịch COVID-19 thì ngành bán dẫn có thể đã đạt được mức tăng trưởng tốt hơn trong những năm sau đó. Tuy vậy, báo cáo của Hiệp hội ngành bán dẫn Hoa Kỳ tháng 6/2021 đã dự báo doanh số tiêu thụ toàn cầu năm 2021 là 527 đô la Mỹ. Thực tế thì kết quả năm 2021 đã cao vượt hơn cả dự báo trước đó.

Hình 1: Doanh số bán của ngành chíp bán dẫn toàn cầu giai đoạn 2000 ~ 2020 _ báo cáo năm 2021 của SIA, Hoa Kỳ

Động lực cho sự tăng trưởng

Trước tiên phải liệt kê các hạng mục đầu cuối sử dụng chíp bán dẫn. Theo SIA phân loại, các ứng dụng đầu cuối được chia thành các hạng mục bao gồm: Thiết bị vi tính, thiết bị liên lạc – viễn thông, sản phẩm tiêu dùng, các ngành công nghiệp, lĩnh vực xe hơi, và khu vực chính phủ. Trong đó, thiết bị vi tính và thiết bị liên lạc luôn chiếm tỷ trọng 50% ~ 60% trong tổng nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, thứ hạng và tỷ trọng của các hạng mục đầu cuối này đã có sự thay đổi trong 3 năm qua. Nếu như năm 2020, nhu cầu về chíp bán dẫn của các thiết bị vi tính đứng đầu (chiếm 32,3%), của các thiết bị liên lạc đứng thứ 2 (chiếm 31,2%) thì đến năm 2022, hai vị trí này đã đổi ngôi cho nhau với tỷ trọng lần lượt là 30% và 26% (xem Bảng so sánh ở Hình 2). Ở các hạng mục khác, 2022 ghi nhận sự tăng trưởng cả về giá trị lẫn tỷ trọng của ngành ô tô với việc ngày càng phổ biến các dòng xe thế hệ mới sử dụng điện hoặc pin và của ngành sản phẩm tiêu dùng thông minh.

Báo cáo của SIA cũng chỉ ra động lực cho nhu cầu tăng trưởng của ngành công nghiệp này. Thứ nhất, nhu cầu đối với chíp bán dẫn vẫn được duy trì ở mức cao cho thị trường xe điện tự động hoặc sử dụng các loại năng lượng mới như Hydrogen, công nghệ biến đổi bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI),  Internet vạn vật (IoT). Thứ hai, sự phát triển và những tiến bộ trong nghiên cứu chíp mở ra những nhu cầu mới và những thị trường hoàn toàn mới ví dụ như công nghệ 5G trong internet và tương lai sẽ là 6G. Ngay cả trong lĩnh vực AI, các ứng dụng hiện nay ngày càng được mở ra, mới, đa dạng và tính bao phủ ngày càng cao.

Những động lực tăng trưởng này được cho rằng làm vững chắc dự báo ngành chíp bán dẫn sẽ đạt doanh số một-ngàn-tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.

Hình 2: So sánh tỷ trọng nhu cầu chíp bán dẫn toàn cầu giữa hai năm 2020 và 2022 _ báo cáo năm 2021 và 2023 (3) của SIA, Hoa Kỳ.

Cấu thành giá trị của một chíp bán dẫn

Chuỗi giá trị hình thành nên một chíp bán dẫn được cơ bản hình thành nên từ 3 thành phần: Một là Nghiên cứu, phát triển và thiết kế; hai là sản xuất, đóng gói và kiểm thử; ba là phát triển phần mềm ứng dụng, thiết bị kiểm tra vi mạch, và vật liệu sản xuất.

Phần nghiên cứu, phát triển (Research & Development) và thiết kế chíp (Chip Design) là công đoạn chiếm tỷ trọng phần vốn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển lớn nhất và cũng là công đoạn đóng góp giá trị nhiều nhất trong chuỗi giá trị – chiếm 50%, theo một báo cáo liên kết giữa BCG và SIA. Lý giải cho điều này là chíp bán dẫn là những sản phẩm có độ phức tạp rất cao để nghiên cứu và thiết kế thành công.

Sản xuất tấm wafer (manufacturing), đóng gói và kiểm thử (assembly, packaging and testing) đóng góp 30% vào chuỗi giá trị của con chíp. Tuy nhiên, đây là công đoạn cần nguồn vốn đầu tư trong ngành rất cao, chi phí vốn đầu tư (capex) ở công đoạn này được cho là chiếm đến khoảng 65% trong toàn bộ chi phí vốn đầu tư của ngành.

Sau cùng, các phần mềm ứng dụng, thiết bị kiểm tra và vật liệu sản xuất đóng góp vào 20% của chuỗi giá trị của chíp bán dẫn. Trong đó, phần giá trị đóng góp từ các thiết bị kiểm định và kiểm tra chiếm 11% và phần các loại vật liệu dùng để sản xuất chíp chỉ 5%.

Như vậy, với nguồn lực hiện có và năng lực thực tiễn của các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam nên có chiến lược tham gia công đoạn nào trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp thì vừa sức , xin mời đón đọc Kỳ 3 – Doanh nghiệp Việt Nam chọn hướng tham gia như thế nào cho vừa sức?

Kỳ 1: Chuỗi cung ứng – Cả thế giới phụ thuộc lẫn nhau

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *