[CHÍP BÁN DẪN] Kỳ 3: Các bước tham gia vừa sức với Doanh nghiệp Việt Nam
Trong 3 công đoạn chính của ngành công nghiệp bán dẫn là nghiên cứu và thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chíp, và đóng gói, kiểm thử, thì Việt Nam nên chọn hướng tham gia như thế nào phù hợp với lợi thế quốc gia nói chung và của nguồn lực của các doanh nghiệp nội nói riêng là câu hỏi luôn được quan tâm.
Tận dụng và phát hay nguồn tài nguyên – nhân lực
Thông tin từ một thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông hồi tháng 9/2023 cho biết Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch đang làm việc tại 30 tập đoàn sản xuất chíp bán dẫn. Con số này sẽ được nâng lên gấp 10 lần trong vài năm tới theo Đề án hợp tác phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng được chính phủ giao cho Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và một số Tập đoàn trong và ngoài nước. Nhân lực là “nguồn tài nguyên lớn” của Việt Nam cũng là nhận định của ông Jensen Huang – chủ tịch Tập đoàn Nvidia trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái.
Vậy rõ ràng hướng tham gia ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là ở giai đoạn nghiên cứu và thiết kế, có thể ban đầu chỉ là hợp tác nghiên cứu phát triển. Nhưng vẫn còn câu hỏi là, các doanh nghiệp trong nước có tận dụng được nguồn lực này không? Nghĩa là cần phải có những doanh nghiệp nội tiên phong tham gia vào giai đoạn nghiên cứu và thiết kế chíp mới có thể tận dụng được nguồn lực nội tại này. Cần có những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt nhằm khuyến khích các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước đầu tư vào lĩnh vực này. Những ưu đãi có thể là vốn vay đầu tư; thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với đội ngũ chuyên gia hoạt động nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu; hỗ trợ giới thiệu kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực này v.v…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại biểu khánh thành Trung tâm Vi mạch bán dẫn NIC Hoà Lạc hồi tháng 10/2023.
Phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho ngành
Bước tham gia tiếp theo là từng bước phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho các nhà máy ở giai đoạn đóng gói, kiểm thử và các nhà máy sản xuất, gia công các bảng vi mạch tích hợp. Ở đây đề cập là các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực đối ứng trong tiếp nhận đào tạo và hợp tác, có năng lực cung ứng đáp ứng các yêu cầu khắc khe của các nhà đầu tư nước ngoài ở khâu này đang hoạt động tại Việt Nam. Hướng đi này đòi hỏi một tinh thần đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp mang tầm quốc gia được trợ lực bởi một cơ chế chính sách ưu đãi riêng cho ngành.
Có hai điều thuận lợi cho bước tham gia này. Thứ nhất là hiện nay đang có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong ngành chíp bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; về sản xuất phải kể đến Intel, Samsung, Amkor, Hanmi semiconductor, Hana Micron, Nvidia, Victory Giant, v.v…; về nghiên cứu phát triển chíp và giải pháp công nghệ có Samsung, Synopsys, Infineon Technologies AG, v.v… Thứ hai là Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) vừa được thành lập hồi tháng 10 năm ngoái đóng vai trò là một cầu nối quan trọng để phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Lấy Samsung, doanh nghiệp chính thức đầu tư vào Việt Nam năm 2008, làm ví dụ điển hình. Theo chia sẻ của lãnh đạo Samsung với Bộ Công Thương gần đây, nếu năm 2014 chỉ có 25 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của Samsung thì con số này đến năm 2023 là 306 doanh nghiệp. Việc có sự hiện diện của các nhà sản xuất lớn trong ngành tại Việt Nam là một cơ hội lớn để phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng.
Tích lũy nguồn lực và vốn để xây dựng những nhà máy make in Vietnam
Bước tham gia thứ ba là các doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất chíp make in Vietnam. Đây là bước phát triển đầy tham vọng nhưng không phải là không thực hiện được nếu có kế hoạch chuẩn bị và tích lũy. Việc đầu tư vào nhà máy sản xuất chíp bán dẫn không đơn thuần là có tiền là có thể đầu tư mà còn phải am hiểu quy trình và dây chuyền sản xuất phức tạp, làm chủ việc vận hành các thiết bị sản xuất, và có quan hệ đủ tốt để mua được một số thiết bị quan trọng trong dây chuyền mà chỉ có một số doanh nghiệp trên thế giới sản xuất được. Việc chuẩn bị cho bước phát triển này cần sự chung tay của bốn nhà: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, và nhà sản xuất thiết bị.
Có một số nhận định cho rằng Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất chíp bán dẫn của thế giới với lập luận rằng Việt Nam hiện đang nổi lên như một điểm sáng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này đến đầu tư, từ đó các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành này.
Có 2 điểm cần bàn ở những nhận định này. Một là công xưởng sản xuất đó, nếu có xảy ra, sẽ thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài chứ không phải của các doanh nghiệp trong nước. Điều này không đại diện cho một Việt Nam có ngành sản xuất chíp bán dẫn. Hai là cơ hội tham gia chỉ là một phần của chặng đường thực tiễn. Các yêu cầu khắc khe của ngành sản xuất này đòi hỏi các nhà cung ứng phải có đủ thực lực mới tham gia vào được. Nói cách khác, các doanh nghiệp muốn vào được chuỗi cung ứng này phải đầu tư nghiêm túc vào năng lực sản xuất và phải giải được bài toán giá thành sản phẩm cạnh tranh.
Hai bước đầu kể trên có thể cần 5 đến 10 năm. Bước thứ 3 có thể thực hiện được từ năm 2035, sau khi Việt Nam có một thế hệ kỹ sư có năng lực nghiên cứu và thiết kế, có hệ sinh thái chuỗi cung ứng ở các công đoạn sản xuất, cộng với việc tích tụ được nguồn vốn đầu tư cần thiết. Có như vậy, Việt Nam mới có hy vọng đi sau nhưng về đích và phát triển được ngành sản xuất chíp bán dẫn trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có định hướng đầu tư tham gia ngành sản xuất chíp phù hợp và vừa sức.
C+ Consult.
Pingback: Prime Minister Pham Minh Chinh arrives in Abu Dhabi, starting an official visit to UAE